Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Toán học chắc hẳn là môn học “ám ảnh” của nhiều người vì sự lắt léo, học đau não của nó.
Tuy nhiên, vì đây là môn học quan trọng nên dù có chẳng ưa nó thì cũng phải tập trung học tập cho ra ngô ra khoai. Thấu hiểu điều đó, nên ngay từ cấp 1, nhiều phụ huynh đã kèm cặp con môn này rất gắt gao.
Một vị phụ huynh họ Hồ (40 tuổi, Trung Quốc) có cậu con trai đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở địa phương. Trong bài kiểm tra mới đây của con trai, người mẹ này tỏ rõ sự thất vọng khi con không đạt điểm tuyệt đối chỉ vì sai một câu… dễ ợt. Theo đó, đề bài như sau: Có 40 đứa trẻ cần sang sông nhưng chiếc đò mỗi lần chỉ có thể chở 5 người, hỏi cần đi bao nhiêu chuyến đò để chở hết số trẻ này qua kia sông?
Cách giải của cậu bé cho bài toán này là lấy số đứa trẻ chia cho số trẻ mà mỗi chuyến đò được phép chở để ra số chuyến đò cần đi, tức phép tính: 40 : 5 = 8.
Cách làm của cậu bé tưởng đúng nhưng lại bị giáo viên gạch sai
Bản thân người mẹ nhận thấy cách làm của con chẳng có gì vô lý cả, tại sao cô lại gạch sai được. Vậy nên, người mẹ này đã lên trường để “kiện” cô giáo nhằm lấy lại công bằng cho con trai. Tuy nhiên, những lời cô giáo giải thích sau đó khiến chị không khỏi ngượng ngập và buộc lòng thừa nhận con trai đã đặt phép tính sai.
Cụ thể, cô giáo giải thích bài toán không được giải theo công thức thông thường là 40 : 5 = 8 mà cần phải có chút liên hệ thực tế. Ở đề bài đã nêu rõ, người cần sang kia sông là trẻ em nên không thể tự chèo đò mà cần có một người lái đò là người lớn. Do đó, mỗi chuyến chỉ có thể chở được 4 người là 4 đứa trẻ và tính thêm 1 người lái đò nữa là 5.
=> Kết quả bài Toán là: 40 : 4 = 10.
Vậy cần đi 10 chuyến đò để chở hết số trẻ này qua kia sông.
Thế mới thấy, không phải bài toán tiểu học nào cũng dễ cả. Đơn cử như ở câu hỏi này, nó không chỉ là phép cộng, trừ, nhân, chia thông thường mà yêu cầu học sinh phải tư duy logic để luận giải vấn đề, áp dụng bài học thực tế vào cuộc sống.