Mẹ em làm món sữa chua nếp cẩm siêu ngon luôn. Đó cũng chính là lý do em mê món này từ bé. Mẹ em nghe người ta nói nếp cẩm chính là siêu thực phẩm giúp phòng chống ung thư cực tốt nên lại càng thường xuyên nấu cho cả nhà ăn món này.
Hôm vừa rồi mẹ em làm rất nhiều sữa chua nếp cẩm nên em mang lên công ty cho mọi người thường thức. Ai cũng tấm tắc khen. Một chị đồng nghiệp em bảo:
– Nhất em đấy. Cả nhà mà thường xuyên được ăn các món chế biến từ nếp cẩm thì cả đời không lo bị ung thư luôn.
Quả thật nếp cẩm được mệnh danh là loại siêu thực phẩm chống ung thư và các bệnh về tim mạch cực tốt đó các chị ạ.
Như mẹ em chia sẻ thì ở nước ta có 2 loại nếp cẩm: than lợt (đỏ đậm) khi nấu rượu sẽ thành màu đỏ và than đen (tím đen) khi nấu rượu sẽ thành màu tím đậm) hay còn gọi là gạo đen.
Em có đọc một số tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học từ Mỹ đã phân tích mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm trồng ở miền Nam nước này và cho ra kết quả là phát hiện thấy chúng chứa hàm lượng rất cao chất chống oxi hóa anthocyanin – một chất có tiềm năng chống lại bệnh ung thư, tim mạch và nhiều bệnh khác. Anthocyanin tạo ra màu đen sẫm cho nhiều loại rau, quả như việt quất, ớt… Các nhà nghiên cứu cho rằng chất chống oxi hóa màu đen này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN – yếu tố dẫn đến ung thư.
Ngoài ra, nếp cẩm còn có những tác dụng cực kỳ tốt cho sức khỏe thế này nữa nhé:
Nếp cẩm rất bổ máu
Nếp cẩm sau khi được nấu chín thì chứa rất nhiều các loại chất tốt cho máu. Cụ thể, trong 200g cơm nếp đã nấu chín có chứa 169 calories; 3,5 g protein; 37 carbohydrate; 1,7 chất xơ; 9,7 cmg selenium và 0,33 gr chất béo. Đó chính là lý do thuyết phục nhất để phụ nữ thường xuyên đưa nếp cẩm vào thực đơn hàng ngày, đặc biệt là những chị sau sinh và đang trong kỳ kinh nguyệt.
Là loại thực phẩm rất tốt cho tim mạch
Trong nếp cẩm có chứa chất lovastatine và ergosterol nên có khả năng tái tạo mạch máu, phòng tránh tai biến tim mạch. Hơn thế, rượu nếp cẩm còn có tác dụng rất tốt giúp giảm lượng cholesterol trong máu rất hiệu quả. Đó chính là nguyên nhân những người thường xuyên bị bệnh về tim mạch hay huyết áp nên thường xuyên đưa nếp cẩm vào thực đơn hàng ngày của mình.
Nếp cẩm rất thân thiện với dạ dày
Không giống như gạo nếp bình thường, nếp cẩm được coi là một liều thuốc rất hiệu quả cho những người bị yếu dạ dày hay mắc các bệnh liên quan đến dạ dày.
Một số món ăn dễ làm, ngon miệng từ nếp cẩm
Sữa chua nếp cẩm
Nguyên liệu:
Nếp cẩm: 200 gr
Sữa chua có đường: 3 hộp
Đường trắng: 100 gr
Lá dứa: 3 lá
Muối :1 muỗng cà phê
Nước cốt dừa: 100 ml
Thực hiện:
Bước 1: Nếp cẩm vo sạch, ngâm nước đến khi nở sau đó cho vào nồi cùng 2 lít nước. Thêm muối vào nấu, khi nước sôi thì hớt bỏ bọt nổi trên nồi.
Bước 2: Cho lá dứa vào nấu cùng, khuấy đều đến khi nếp cẩm chín và sánh lại. Thêm đường và đun khoảng 5 phút rồi tắt bếp, để nguội.
Bước 3: Múc chè nếp cẩm ra chén, cho sữa chua, nước cốt dừa vào. Cuối cùng chỉ việc trộn đều tay và thưởng thức!
Cơm rượu nếp cẩm
Nguyên liệu:
Nếp cẩm: 1 kg Men cơm rượu: 50 gr
Thực hiện:
Bước 1: Nếp cẩm ngâm qua đêm. Vo nếp thật sạch rồi để ráo.
Bước 2: Cho nếp cẩm vào nồi cơm điện, đổ nước xâm xấp. Nấu chín như nấu cơm.
Bước 3: Khi nếp chín, cho ra mâm, trải đều cho mau nguội.
Bước 4: Men cơm rượu cho vào cối, giã nhuyễn.
Bước 5: Cho men cơm rượu qua rây, rắc lên cơm nếp. Dùng đũa hoặc tay trộn đều.
Bước 6: Dùng giấy bạc để gói cơm. Lấy kéo cắt một số lỗ nhỏ trên giấy, rồi cho cơm đã trộn men vào, gói kín lại.
Bước 7: Đặt một cái chén hay đĩa vào nồi, cho bọc cơm rượu vào rồi đậy nắp nồi kín lại. Để ủ nơi thoáng mát khoảng 2-3 ngày.
Bước 8: Sau 2-3 ngày, mở ra kiểm tra thấy cơm rượu thơm, độ nồng như ý là có thể dùng được. Cất vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Múc cơm rượu nếp cẩm ra chén và thưởng thức. Nếu thích thì ăn cùng sữa chua, cũng rất ngon.