Sinh ra là phận phụ nữ, ắt hẳn ai cũng được bố mẹ dạy phải biết nhường nhịn, luôn nhận thiệt thòi về mình. Đó là thiên chức cao cả của người phụ nữ, là thứ mà người mẹ luôn dặn con gái mình khi về nhà chồng.
Nhưng họ lại không biết rằng cũng chỉ vì cái gọi là thiên chức ấy mà không biết bao người phụ nữ hiện đại vẫn phải chịu khổ, biết bao người đàn ông sức dài vai rộng vẫn ngang nhiên lấy việc người phụ nữ hi sinh cho mình là chuyện rất đỗi bình thường.
Mệt mỏi quá con muốn về nhà với mẹ. Ảnh minh họa.
Đàn ông đâu biết, người vợ dẫu cho có được mẹ cha dặn hi sinh, sống nhẫn nhịn vì chồng vì con nhưng sức chịu đựng của họ cũng có chừng mực mà thôi. Bởi có những giới hạn mà một khi chạm đến nó thì mọi thứ sẽ bùng nổ và chẳng gì có thể cản nổi.
“Tôi và chồng quen nhau khi cả hai cùng làm chung một cơ quan, hai đứa có thời gian tìm hiểu và yêu nhau. Yêu nhau một thời gian thì anh đưa tôi về ra mắt, lúc đó tôi mới biết về bố mẹ và gia đình anh.
Bố mẹ anh làm kinh doanh, có tiền và am hiểu xã hội, họ cũng là người người có nhiều mối quan hệ rộng, trái ngược hẳn với bố mẹ tôi. Cả đời chỉ làm công nhân, thu nhập hạn hẹp và khó khăn lắm mới nuôi được hai anh, em tôi ăn học.
Đến với anh, đôi khi tôi cũng cảm thấy mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình mình, nhưng chồng luôn nói: Nhà anh ăn minh lắm, bố mẹ không để ý nhiều đâu, chỉ cần em ngoan ngoãn, thật lòng thì mọi chuyện chẳng có gì phải quan tâm.
Rồi chúng tôi cưới nhau, đám cưới mọi thứ do mẹ chồng tôi sắp đặt hết, từ cỗ bàn, tráp hỏi cho đến váy cưới. Bố mẹ chồng tỏ thái độ ra mặt khi lựa chọn khách đến dự đám hỏi nhà tôi.
Hôm đám cưới, nhà chồng tổ chức ở một khách sạn sang trọng, hàng vài trăm mâm cỗ, nhưng nhà tôi chỉ được ké vào khoảng 10 mâm, và phải chọn lựa khách mời, những ai hình thức được được mới được đến đám cưới của tôi hôm đó, chứ không phải ai cũng được chọn đi.
Bố mẹ tôi không vui ra mặt khi thấy bị coi thường nhưng vì hạnh phúc của tôi, nên cũng không ai ý kiến gì. Ngày trước khi về nhà chồng, mẹ vẫn còn ôm tôi rồi khóc: “Mẹ biết nhà bên đó không thích gì nhà mình nhưng thôi, mình cứ sống đúng thì chẳng sợ bên họ chê trách gì. Cố gắng con ạ”.
Nghĩ đến những lời mẹ dặn, tôi luôn học cách cư xử của một nàng dâu ngoan ngoãn để đằng nhà chồng không trách cứ được gì. Nhưng có lẽ sự cố gắng đó chẳng được nhà chồng để vào mắt.
Đến khi tôi mang bầu, tất cả mọi thứ tôi ăn gì, uống gì đều phải do bà chọn lựa, mẹ tôi mang đến cái gì, mẹ chồng cũng không cho ăn, vì cho rằng không có chất, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa bé trong bụng.
Khi sinh con xong, mẹ đẻ tôi đến thăm, nhưng chỉ được ngồi nói chuyện với tôi, chứ không được bế cháu vì mẹ chồng không cho. Mẹ đẻ tôi tự ái, nên không dám sang chơi, nhớ con, nhớ cháu chỉ dám gọi điện thoại hỏi thăm.
Tôi xin đưa con về ngoại thăm bố mẹ thì bố mẹ chồng không cho, nói đi lại vất vả, dù hai gia đình chỉ cách nhau có hơn 10 cây số. Về bà ngoại thì mẹ chồng cấm, nhưng mới được mấy tháng mà mẹ chồng bắt tôi ôm con đi khắp nơi theo bà, đến nhà họ hàng xa, rồi đi du lịch.
Thắc mắc thì mẹ chồng nói thẳng: “Nhà bên đó bé bằng lỗ mũi ấy. Lấy đâu ra chỗ ăn, chỗ ngủ, nhà còn không sạch bằng cái nhà vệ sinh nhà này thì về làm gì để cho cháu lây bệnh hay sao”. Nghe những câu nói thốt ra mà lòng tôi ứa nước mắt vì tủi thân.
Sao mẹ chồng có thể nghĩ về nhà đẻ tôi như vậy chứ, nuôi con bao nhiêu năm, dạy dỗ con lên người, nay đi lấy chồng không nhận được lời cảm ơn thì chớ, lại còn suốt ngày bị coi thường chỉ vì nghèo nên mới hèn.
Kể với chồng thì anh suốt ngày bên mẹ đẻ chẳng có câu nào là đứng về phía nhà vợ. Người ta bảo phận phụ nữ đi lấy chồng chỉ có chồng là cùng chiến tuyến nhưng tôi lại luôn cảm giác mình cô độc giữa căn nhà này.
Chồng gia trưởng, mẹ chồng độc đoán luôn chỉ biết coi thường nhà đẻ khiến tôi chẳng còn muốn tiếp tục sống trong căn nhà này thêm 1 giờ phút nào nữa. Đêm nào tôi cũng ứa nước mắt nhớ lại những lời mẹ nói trước ngày cưới chồng.
“Khi nào mệt mỏi quá cứ nghĩ về gia đình mình mà cố gắng con ạ. Bố mẹ cũng chỉ mong con sống hạnh phúc mà thôi”.
Tôi đã nghĩ về lời mẹ nói để cố gắng cho đến bây giờ nhưng ngay chính trong giây phút này tôi lại nghĩ: Nếu mệt quá rồi thì về nhà với mẹ được không? Sống thế này tôi nghĩ mình không chịu lâu thêm được nữa”.
Trong cuộc sống hôn nhân, người phụ nữ luôn được dạy dỗ phải sống nhẫn nhịn, biết cư xử rồi học theo nếp sống của nhà chồng. Nhưng chẳng ai nói với họ rằng, nếu sống không ổn thì phải làm sao?
Phụ nữ suy cho cùng luôn suy nghĩ bản thân sinh ra đã phải chịu đựng, nhường nhịn vì người khác hết lần này đến lần khác. Nhưng phải hi sinh đến bao giờ để nhận được sự đền bù, thấu hiểu thì chẳng ai nói với họ cả.
Thế nên, mệt rồi thì buông bỏ mọi thứ trở về với căn nhà có mẹ có cha thì làm sao đâu. Mệt rồi thì trở về nơi an yên của tâm hồn, nơi những người nguyện thương bạn trọn đời. Về với mẹ có được không?
Nguồn: Tổng hợp.